Tham dự Hội thảo có đại diện các trường đại học đào tạo công tác xã hội trong nước và quốc tế. Học viện Phụ nữ Việt Nam đã cử các giảng viên Khoa Công tác xã hội tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Văn Kim, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV khẳng định tầm quan trọng của việc đưa môn học Công tác xã hội với người khuyết tật vào giảng dạy ở bậc cử nhân và sau đại học.
Hiện nay, nhận thức của xã hội về người khuyết tật vẫn còn hạn chế, nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là lĩnh vực riêng của ngành Y tế, giáo dục đặc biệt mới phát triển trong những năm gần đây và công tác xã hội với người khuyết tật thì còn rất mới mẻ. Hệ thống lý thuyết về lĩnh vực giáo dục và công tác xã hội làm việc với người khuyết tật chưa hoàn thiện và Việt Nam hóa; Phương pháp tiếp cận chưa thống nhất giữa các tổ chức làm việc với người khuyết tật, của hệ thống an sinh xã hội và các ngành liên quan; Tài liệu trong nước về công tác xã hội với người khuyết tật còn đang rất hạn chế. Do đó, việc đẩy mạnh xây dựng chương trình và giáo trình môn học Công tác xã hội với người khuyết tật cho hệ cử nhân và sau đại học là vô cùng gấp rút. Sau gần 2 năm nghiên cứu và xây dựng chương trình, giáo trình Công tác xã hội với người khuyết tật, Đại học KHXH&NV tổ chức hội thảo tham vấn với mục đích lắng nghe những góp ý của các chuyên gia, các giảng viên công tác xã hội trên thế giới và trong nước nhằm hoàn thiện chương trình và giáo trình để sớm đưa vào giảng dạy.
Hội thảo tiến hành thảo luận sâu theo các nhóm chủ đề của giáo trình: Những khái quát chung về người khuyết tật; Trải nghiệm kỳ thị của người khuyết tật; Các kỹ năng công tác xã hội với người khuyết tật và các mô hình hỗ trợ người khuyết tật. Từ đó đã góp phần hoàn thiện cuốn giáo trình cử nhân đầu tiên về Công tác xã hội với người khuyết tật. Sau khi tiếp thu các ý kiến và chỉnh sửa Đại học KHXH&NV và một số trường đào tạo chuyên ngành này sẽ sớm đưa vào sử dụng. Giáo trình sẽ được sử dụng cho hệ cử nhân và sau đại học, tuy nhiên sẽ có những bàn bạc, trao đổi để đưa ra được khung chương trình riêng cho hệ cử nhân và đào tạo sau đại học với chuyên ngành Công tác xã hội với người khuyết tật.
Hội thảo cũng đã được nghe chia sẻ, tư vấn và góp ý của các chuyên gia quốc tế đến từ Trường Công tác xã hội – ĐH Columbia, Hoa Kỳ. Đây là những chia sẻ hết sức quý báu nhằm hoàn thiện giáo trình cũng như kinh nghiệm khi đưa vào giảng dạy chuyên ngành Công tác xã hội với người khuyết tật trong những năm tới.
Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng đã đưa học phần Công tác xã hội với người khuyết tật vào khung chương trình đào tạo cử nhân ngành công tác xã hội. Tuy nhiên, môn học này mới chỉ nằm trong các học phần tự chọn. Vì vậy, việc sớm đưa vào giảng dạy chuyên sâu trong lĩnh vực Công tác xã hội với người khuyết tật đang được lựa chọn và tập trung thực hiện.
Với sự cam kết đưa vào giảng dạy môn học Công tác xã hội với người khuyết tật của các Trường đại học trong nước Hội thảo rất kỳ vọng một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trong nhận thức về khả năng và vị trí của người khuyết tật tại Việt Nam.