Hai đề tài được nghiệm thu là: Đề tài “Động cơ học tập của sinh viên hệ Cử nhân tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam” Do nhóm nghiên cứu thực hiện, Chủ nhiệm đề tài là Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang – Giảng viên khoa Khoa học cơ bản.
Đề tài “Quản lý trường hợp với trẻ khó khăn học tập ở tuổi mầm non” do nhóm nghiên cứu thực hiện, Thạc sĩ Hoàng Bào Trường – Giảng viên khoa Công tác xã hội làm chủ nhiệm, Thạc sĩ Trần Thị Thu Hường đồng chủ nhiệm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài. Tại hội đồng nghiệm thu, chủ nhiệm của các đề tài đã báo cáo kết quả nghiên cứu của nhóm. Sau một năm triển khai thực hiện, các đề tài đã hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra.
Đề tài “ Động cơ học tập của sinh viên hệ Cử nhân tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam” góp phần làm rõ thực trạng động cơ học tập và các yếu tố tác động tới động cơ học tập của sinh viên hệ Cử nhân tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm giáo dục, định hướng động cơ học tập của sinh viên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo ở Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam.
ThS. Phan Thị Cẩm Giang đại diện nhóm thực hiện đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu
Đề tài “Quản lý trường hợp với trẻ khó khăn học tập ở tuổi mầm non” đã cụ thể hóa những khó khăn mà trẻ gặp phải như: khó khăn trong học đọc, học viết, chính tả hoặc làm tính toán…những khó khăn này thường thể hiện rõ rệt khi trẻ bắt đầu lên cấp 1 và học đọc, viết, tính toán theo chương trình giáo dục. Lúc này các bậc phụ huynh và thầy cô mới bắt đầu để ý đến sự khó khăn của trẻ vì những khó khăn đó thể hiện rõ và cụ thể qua kết quả học tập. Thậm chí, nhiều đứa trẻ được xem là quậy phá, lì lợm hoặc lười biếng không chịu học nên dẫn đến kết quả học tập kém hơn. Từ đó, tạo ra áp lực cho đứa trẻ, đẩy đứa trẻ vào một tình trạng tồi tệ hơn. Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất nên sử dụng phương pháp quản lý trường hợp để hỗ trợ trẻ có dấu hiệu khó khăn trong học tập nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường của cá nhân, đồng thời cá biệt hóa mỗi cá nhân.
Nhóm nghiên cứu đề tài “Quản lý trường hợp với trẻ khó khăn học tập ở tuổi mầm non”
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc và công tâm, các thành viên trong Hội đồng đã đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá phản biện và thống nhất các nội dung như: Đề tài có cơ cấu hợp lý, đã bám sát kế hoạch, tuân thủ các quy trình, quy định trong công tác nghiên cứu khoa học, việc khảo sát, thực tế tại địa bàn được thực hiện đảm bảo nội dung đề tài sát đúng với thực tiễn; các kết quả có tính mới.
Hội đồng nhất trí đánh giá hai đề tài có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao. Tuy nhiên, để báo cáo được hoàn thiện hơn cơ quan chủ trì và các chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của thành viên Hội đồng.
Nhóm nghiên cứu đề tài “Động cơ học tập của sinh viên hệ Cử nhân tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam”
Với những kết quả đã đạt được, Hội đồng Khoa học và Công nghệ nhất trí nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam năm 2020 ở mức Khá.