Hôm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam vinh dự được cùng với Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo về Du lịch trong bối cảnh Đại dịch COVID-19, quốc tế hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Lời đầu tiên, xin được thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo kính chúc các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và các bạn sinh viên luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc cho hội thảo của tất cả chúng ta sẽ thành công tốt đẹp.

Kính thưa các nhà khoa học,

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngành du lịch – ngành kinh tế xanh với rất nhiều tiềm năng của Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành chịu hậu quả nặng nền nhất của đại dịch, khi Việt Nam đã không mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 3 năm 2020, dẫn đến lượng khách quốc tế năm 2020 giảm gần 80% so với năm trước, 6 tháng đầu năm 2021 lượng khách quốc tế giảm gần 98%; lượng khách nội địa giảm hơn 1/3 dẫn đến khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động và 10% còn lại hoạt động cầm chừng. Các dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, công suất chỉ đạt 10% đến 15%[1]. Tình trạng đóng cửa của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống dẫn đến một số lượng lớn lao động ngành du lịch buộc phải nghỉ việc, thất nghiệp hoặc chuyển đổi công việc. Chỉ tính riêng tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 12.600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang không có việc làm; số lao động mảng lữ hành đã nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động lên tới 90%, tương đương với 12.168 người. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực ngành du lịch trong thời gian tới khi đất nước mở cửa đối với khách du lịch quốc tế và chuyển đổi hoạt động theo phương châm thích ứng an toàn với đại dịch.

Ảnh hưởng của đại dịch, khó khăn của ngành du lịch, nhất là sự giãn cách và đóng cửa của hàng loạt các doanh nghiệp du lịch có tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến đào tạo nhân sự ngành du lịch. Có thể khẳng định: trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hệ thống các cơ sở đào tạo về du lịch đã phát triển nhanh với hơn 100 trường đại học, cao đẳng tham gia đào tạo với cơ chế, chính sách đặc thù. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển sang tiếp cận theo năng lực; gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, dẫn đến người học sau khi ra trường thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, trong hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch, mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả với doanh nghiệp bị đứt gãy, dẫn đến cơ hội thực hành, thực tập, việc làm tại doanh nghiệp gần như không còn; vì vậy, chất lượng đào tạo ngành du lịch thời gian vừa qua cũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Tác động của đại dịch sẽ còn kéo dài nhiều năm, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh, tranh thủ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ để đẩy nhanh khả năng thích ứng và kiểm soát chất lượng đào tạo. Sự chủ động chuyển đổi số của ngành du lịch, nhanh chóng triển khai du lịch an toàn, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh sẽ tạo động lực, cơ hội cho đào tạo ngành du lịch. Bên cạnh đó, sự chủ động thích ứng và thay đổi của các các cơ sở đào tạo du lịch đóng vai trò quan trọng. Nhà trường tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các doanh nhân trong đào tạo nhân sự ngành du lịch, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng tham vọng về việc làm ngành du lịch như trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã phê duyệt và đáp ứng được nhu cầu học ngành du lịch vẫn rất cao của xã hội.

Hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo du lịch nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, phân tích thực trạng đào tạo đại học các ngành du lịch trong 2 năm qua, xác định các yếu tố tác động đến thực trạng này, phân tích các khó khăn, thách thức và cơ hội do đại dịch Covid-19, xu hướng quốc tế hoá và giáo dục đại học 4.0. Các giải pháp, hàm ý chính sách và các đề xuất thực hành tốt dành cho các cơ sở đào tạo để thích ứng tốt với bối cảnh, gia tăng quy mô đào tạo và kiểm soát chất lượng đại học các ngành du lịch trong sự gắn kết chặt chẽ với sự phục hồi của các doanh nghiệp và sự chủ động triển khai các giải pháp tự thân của các trường đại học.

Kính thưa các quí vị đại biểu, các nhà khoa học!

Trải qua quy trình thông báo kêu gọi bài viết và tổ chức phản biện độc lập, nghiêm túc, Ban tổ chức Hội thảo đã chọn lọc 26 báo cáo khoa học nổi bật nhất trong tổng số 45 bài viết được gửi về để xuất bản trong kỷ yếu hội thảo. Các bài viết trong kỷ yếu Hội thảo được sắp xếp theo 03 chủ đề: Đào tạo đại học về du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Đào tạo về du lịch trong bối cảnh quốc tế hoá và toàn cầu hoá; và Giáo dục đại học các ngành du lịch và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, tôi xin được bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến các nhà khoa học trong nước đã nhiệt tình, trách nhiệm trong đăng ký, viết bài và tham gia hội thảo.

Để Hội thảo đạt kết quả tốt và phù hợp với thời gian đã định, Ban tổ chức đề nghị các nhà khoa học tham luận, phát biểu tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

  1. Nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hoá và toàn cầu hoá.
  2. Tác động của Đại dịch Covid-19 đến hoạt động đào tạo các ngành du lịch và các giải pháp thích ứng hiệu quả.
  3. Cơ hội và thách thức của giáo dục đại học về du lịch trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Kính thưa các quí vị đại biểu, các nhà khoa học và các bạn sinh viên!

Hội thảo khoa học được tổ chức ngày hôm nay là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ, chân thành giữa Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và Học viện Phụ nữ Việt Nam cùng với sự nỗ lực của từng thành viên Ban tổ chức, Ban biên tập, Ban thư ký và Ban hậu cần Hội thảo. Học viện Phụ nữ Việt Nam xin được đặc biệt cảm ơn tới Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các thầy cô khoa Du lịch trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đã vui vẻ, nhanh chóng nhận lời đồng tổ chức hội thảo này. Sự khởi đầu tốt đẹp này sẽ tạo ra tiền đề, sự tin tưởng vững chắc vào sự thành công của Thỏa thuận hợp tác giữa hai nhà trường. Chúng tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, quý vị đại biểu, các cơ quan báo chí và hàng trăm sinh viên 2 trường đã đến dự trực tiếp và online để trình bày báo cáo, chia sẻ ý kiến và đưa tin về Hội thảo.

Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo Quốc gia “Đào tạo về du lịch trong bối cảnh Đại dịch Covid-19, Quốc tế hoá và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”. Kính chúc các quí vị đại biểu, các nhà khoa học và các bạn sinh viên luôn luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp! Trân trọng cảm ơn!


[1] https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/giai-phap-nao-de-du-lich-viet-nam-vuot-kho-trong-dai-dich-590353.html