Phát biểu khai mạc, bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam đã nêu rõ mục đích chính của hội thảo là được các chuyên gia giàu kinh nghiệm chia sẻ các thông tin về phụ nữ và bình đẳng giới nhằm giúp Hội LHPN Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Hội thảo đã được nghe phần trình bày của bốn bài tham luận, cụ thể: “Tình tình nữ thanh niên giai đoạn 2012 đến nay: Những vấn đề đặt ra và kiến nghị đề xuất” của TS. Nguyễn Thị Bích Điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên; “Tình hình nữ doanh nhân Việt Nam” của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam; “Cộng đồng ASEAN 2015 và sự chuẩn bị của Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thị Hoài Linh, Trưởng Ban Quốc tế, Hội LHPN Việt Nam; “Tình hình bạo lực gia đình với phụ nữ: Những nỗ lực từ 2012 đến nay với một số vấn đề đặt ra trong công tác phòng chống bạo lực gia đình” của ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thông qua các số liệu thực tế, đại biểu tham dự hội thảo được cung cấp nhiều thông tin thú vị, hấp dẫn về tình hình nữ thanh niên hiện nay chẳng hạn trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tư tưởng, nhận thức, đạo đức, lối sống… Đề cập đến nữ doanh nhân, tham luận của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh nhấn mạnh vai trò, những đóng góp tích cực của doanh nghiệp nữ đối với nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, họ đang gặp phải một số thách thức về trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ, kiến thức kinh doanh, khả năng cạnh tranh và hiểu biết về cộng đồng kinh tế ASEAN… Để hỗ trợ doanh nghiệp nữ phát triển, bà Tuyết Minh cho rằng cần phải có chính sách đặc thù dành riêng cho đối tượng này. Bàn về sự chuẩn bị của Việt Nam cho việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ThS. Nguyễn Thị Hoài Linh quan tâm đến trách nhiệm và những hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) đã triển khai nhằm hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực để hội nhập quốc tế. Đồng thời, bài tham luận cũng đưa ra một số giải pháp từ phía Hội để hỗ trợ phụ nữ hội nhập và đóng góp tích cực vào cộng đồng ASEAN như: Tích cực tuyên truyền về cộng đồng ASEAN tới chị em phụ nữ để chị em hiểu rõ về cộng đồng; giáo dục phụ nữ nâng cao ý thức tự học, tự trang bị kiến thức và tự bảo vệ mình trong bối cảnh hội nhập; Tận dụng triệt để các nguồn lực đang có của Hội và tích cực vận động nguồn lực mới phục vụ nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng, tay nghề cho phụ nữ đáp ứng yêu cầu hội nhập; Xây dựng, kết nối các kênh tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khi tham gia các giao dịch quốc tế. Một chủ đề khác cũng gây được sự chú ý của đại biểu hội thảo là tình hình bạo lực gia đình và công tác phòng chống bạo lực gia đình của Việt Nam hiện nay. Trình bày tham luận, ông Hoa Hữu Vân đã chỉ ra một số tồn tại của công tác phòng chống bạo lực gia đình như đội ngũ nhân lực yếu kém, nguyên nhân cơ bản của bạo lực gia đình bắt nguồn từ yếu tố văn hóa truyền thống “trọng nam, khinh nữ”. Do đó, các biện pháp giải quyết nên hướng vào việc xây dựng văn hóa gia đình.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cảm thấy ấn tượng và bị thu hút bởi những dữ liệu thực tế và các nhận định của các tham luận. Ngoài bình luận, đặt câu hỏi về các nội dung của bài tham luận, các đại biểu còn bổ sung, cung cấp thêm những thông tin liên quan. Trong đó, vấn đề vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc hỗ trợ các đối tượng phụ nữ đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN được nhiều đại biểu đưa ra.
Phát biểu bế mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cảm ơn sự chia sẻ, đóng góp thông tin của tất cả các chuyên gia, các đại biểu đến từ các cơ quan, Bộ, ngành. Bà cũng khẳng định những thông tin này có ý nghĩa quan trọng giúp Hội thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao phó, đặc biệt là công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Thông tin hội thảo còn là những dữ liệu tham khảo hữu ích đối với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của các giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam.