Học viện Phụ nữ Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với quyền tự chủ tài chính năm 2025

Tự chủ tài chính – cánh cửa mở ra nhiều cơ hội

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tự chủ tài chính là quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công, giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Điều này đồng nghĩa với việc các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học, được trao quyền quyết định trong việc sử dụng nguồn lực tài chính một cách chủ động và linh hoạt hơn. Đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam, đây không chỉ là quyền lợi mà còn là cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, nâng cao hiệu quả quản trị và khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Việc Học viện được phân loại là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) là một bước tiến rõ nét trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động. Điều này cho phép Học viện chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, sử dụng hiệu quả các nguồn thu hợp pháp để đầu tư cho cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Động lực nâng cao chất lượng và uy tín

Quyền tự chủ tài chính mang lại cho Học viện cơ hội thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội. Việc chủ động về tài chính giúp Học viện linh hoạt trong đầu tư, đổi mới công nghệ, cập nhật trang thiết bị dạy học hiện đại, tạo môi trường học tập và nghiên cứu năng động, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Học viện có thể huy động các nguồn lực xã hội để phát triển các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, chuyển giao tri thức và phục vụ cộng đồng.

Đặc biệt, quyền tự chủ tài chính sẽ mở ra điều kiện thuận lợi để Học viện thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên chất lượng cao, thông qua chính sách đãi ngộ cạnh tranh và môi trường làm việc tích cực. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu – hai trụ cột chính tạo nên thương hiệu và uy tín của một cơ sở giáo dục đại học.

Tăng cường trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả quản trị

Tự chủ tài chính không chỉ trao quyền, mà còn đi kèm với trách nhiệm cao hơn của đơn vị được giao quyền. Theo Điều 3 của Quyết định 5483/QĐ-ĐCT, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam là người chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tự chủ tài chính theo đúng quy định pháp luật. Điều này đòi hỏi Học viện phải tăng cường năng lực quản trị, minh bạch trong hoạt động tài chính và đảm bảo hiệu quả trong sử dụng nguồn lực.

Đây cũng là cơ hội để Học viện hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong điều hành, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc. Từ đó, Học viện không chỉ nâng cao hiệu suất hoạt động mà còn tạo dựng niềm tin từ người học, cán bộ giảng viên và các đối tác chiến lược.

Khẳng định vị thế và tầm nhìn phát triển bền vững

Với quyết định giao quyền tự chủ tài chính năm 2025, Học viện Phụ nữ Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với tâm thế chủ động, bản lĩnh và trách nhiệm. Trên nền tảng hơn 50 năm truyền thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trong nước, quốc tế và hơn một thập kỷ phát triển với tư cách là cơ sở giáo dục đại học, Học viện Phụ nữ Việt Nam đang dần khẳng định vai trò trung tâm trong đào tạo, nghiên cứu về phụ nữ, bình đẳng giới, công tác xã hội và quản trị hiện đại. Học viện là cơ sở giáo dục đại học công lập đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia đồng thời được công nhận đạt chuẩn kiểm định 6 chương trình đào tạo. Hiện nay, Học viện hiện đang đào tạo 12 ngành đại học, 4 ngành thạc sĩ và 2 ngành tiến sĩ. Học viện được đánh giá xếp hạng 52 trong tổng số 237 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam theo bảng xếp hạng VNUR năm 2025. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Học viện trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng hợp tác, tăng cường nghiên cứu và đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tự chủ tài chính không chỉ là một chính sách, mà còn là động lực thúc đẩy sự sáng tạo, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên. Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội này để nâng cao năng lực nội tại, hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.

Quyết định giao quyền tự chủ tài chính không chỉ là minh chứng cho năng lực quản trị ngày càng vững vàng của Học viện, mà còn mở ra cơ hội lớn để Học viện tiếp tục khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Với tinh thần quyết tâm và sự đồng hành của các cấp lãnh đạo, viên chức, người lao động và sinh viên, Học viện Phụ nữ Việt Nam tin tưởng sẽ phát huy tối đa quyền tự chủ tài chính để tiếp tục thực hiện sứ mệnh xây dựng một môi trường Giáo dục Toàn diện, Chất lượng và Bình đẳng. Từ nền tảng đó, Học viện sẽ phát huy vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy tiến bộ phụ nữ, bình đẳng giới, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội và đóng góp những giá trị thiết thực vào hành trình hội nhập, phát triển cùng đất nước trong kỷ nguyên mới.