Tham dự hội thảo về phía khách mời có: bà Phạm Thị Thanh, Phó ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển Kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình Thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS. Lê Thái Phong, Trưởng khoa QTKD, ĐH Ngoại thương; Các nhà khoa học đến từ các trường: ĐH Mở HN, Đại học Lao động xã hội, Đại học Tài nguyên và môi trường, ĐH Thăng Long. Lãnh đạo các đơn vị đối tác: Tập đoàn Bảo Sơn; Công ty cổ phần Dịch vụ Đầu tư và Du lịch Bàn chân Việt; Công ty CP Mặt trời Châu Á; Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long; Công ty TNHH và phát triển thương hiệu ADD Việt Nam; Công ty cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng; Báo Dân trí, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Phụ nữ Việt Nam.
Đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam tham gia hội thảo có: PGS.TS Trần Quang Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, trưởng Khoa Giới và Phát triển, ThS. Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện cùng đại diện các khoa/phòng/viện thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam, đại diện học viên Cao học của 2 ngành CTXH và QTKD của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định: Xác định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 939/QĐ-TTg thông qua Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Việc thông qua đề án không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu “Tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030”. Mục tiêu này vừa là động lực, nhưng cũng là trách nhiệm lớn của phụ nữ Việt Nam. Hội thảo khoa học quốc gia: “Phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời đại mới” được Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của phụ nữ. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, học giả cùng nghiên cứu, bàn luận những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của phụ nữ. Trên cơ sở đó, tìm kiếm các giải pháp nhằm tạo điều kiện phát huy hơn nữa tinh thần doanh nhân, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới của phụ nữ, đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước và bình đẳng giới.
Hội thảo được diễn ra với với sự chủ trì của các nhà khoa học uy tín: PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS. Lê Thái Phong, Trưởng khoa QTKD, ĐH Ngoại thương.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài báo khoa học. Qua quá trình phản biện độc lập, 24 báo cáo khoa học đã được chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Điều này là minh chứng thuyết phục về sức hút, sự hấp dẫn của chủ đề hội thảo đối với các nhà khoa học.
Tại hội thảo, 5 tham luận tiêu biểu được lựa chọn từ 24 bài nghiên cứu in tại kỷ yếu được các tác giả trình bày tập trung vào các chủ đề:
– Các đặc điểm của thời đại mới và mối liên hệ với phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo;
– Thực trạng phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các vấn đề đặt ra;
– Các mô hình, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công của phụ nữ;
– Chính sách, pháp luật hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo;
– Các yếu tố ảnh hưởng tới sự sẵn sàng của phụ nữ trong khởi nghiệp kinh doanh và đổi mới sáng tạo;
– Các vấn đề giới trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh hiện nay.
Cụ thể, các tác giả đã trao đổi về những vấn đề trọng tâm liên quan đến thực trạng và tiềm năng phụ nữ khởi nghiệp trong thời đại công nghệ, chuyển đổi số hiện nay: Đề xuất mô hình khởi nghiệp tinh gọn dành cho phụ nữ khởi nghiệp và nữ doanh nhân (TS. Nguyễn Hùng Cường, Trưởng khoa QTKD, Học viện Phụ nữ Việt Nam); Các yếu tố ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp của phụ nữ khu vực Đông Bắc, Việt Nam (TS. Đào Thị Hương, Trường ĐH Kinh tế và QTKD Đại học Thái Nguyên); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo (ThS. Lê Thị Hồng Gái, Viện Khoa học xã hội, vùng Tây Nguyên); Trình độ dân trí tài chính của phụ nữ Việt Nam: vai trò của các tác nhân xã hội hóa tài chính (ThS. Lê Văn Hinh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Các nhân tố tác động đến ý định và sự sẵn sàng khởi nghiệp của nữ sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam (PGS.TS. Lại Xuân Thủy, Phó trưởng khoa QTKD, Học viện Phụ nữ Việt Nam).
Các tham luận đã nhận được sự trao đổi, phản hồi, chia sẻ sôi nổi của các đại biểu tham gia hội thảo nhằm tập trung làm rõ nguyên nhân, lý do, hình thức, đặc điểm của phong trào phụ nữ khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu hóa hiện nay. Những câu hỏi làm thế nào để phụ nữ phát huy tốt nhất những tiềm năng của mình, tận dụng những cơ hội, thuận lợi và vượt qua thách thức, khó khăn để tham gia có hiệu quả hơn nữa vào các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội ngày nay đã được các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất những giải pháp cải tiến, nâng cao năng lực khởi nghiệp của phụ nữ. Các vấn đề được nhìn nhận theo các góc độ đa dạng như từ góc nhìn, quan điểm đa ngành, quan điểm kinh tế, quan điểm tài chính, quan điểm văn hoá, quan điểm luật pháp, chính sách, quan điểm giới và nâng cao quyền năng, và quan điểm phát triển bền vững hướng tới đối tượng dễ bị tổn thương hơn như phụ nữ, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ miền núi, phụ nữ nông thôn, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trong đó có hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của phụ nữ, tiêu biểu là Đề án ‘Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025’ (gọi tắt là Đề án 939) của Chính phủ với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng khích lệ trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhưng trên thực tế, các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của phụ nữ gặp nhiều khó khăn và thách thức, không chỉ là những khó khăn từ môi trường kinh doanh, từ áp lực phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, hạn chế về kỹ năng chuyên môn, năng lực quản lý, tài chính v.v…, mà còn những hạn chế đến từ định kiến xã hội và quan niệm sai lầm về vai trò, vị trí của phụ nữ trong kinh doanh. Hội thảo khoa học quốc gia: “Phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thời đại mới” đã chia sẻ những góc nhìn, hướng tiếp cận, nghiên cứu, giải pháp đa dạng về chủ đề phụ nữ khởi nghiệp đặt trong bối cảnh đòi hỏi sự cập nhật, phát triển không ngừng của xu thế chuyển đổi số và toàn cầu hóa.