Cuộc thi được triển khai trong khuôn khổ Đề án 939 – Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Theo đó, đối tượng dự thi được mở rộng tới toàn thể nữ sinh viên trên toàn quốc. Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục là đơn vị đầu mối tổ chức cuộc thi. Cuộc thi mang tính ứng dụng, mang đến nhiều cơ hội khởi nghiệp dành cho sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng và sinh viên các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng nói chung. Bên cạnh các giải thưởng hấp dẫn, sinh viên tham gia cuộc thi có cơ hội được tham gia nhiều khóa đào tạo kĩ năng bởi các chuyên gia huấn luyện chuyên nghiệp. Qua đó, sinh viên được thể hiện khả năng, sức sáng tạo và tư duy logic.
Mục tiêu chính của cuộc thi nhằm hướng tới:

– Nâng cao nhận thức của nữ sinh viên về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các kế hoạch khởi nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

– Tìm kiếm, lựa chọn những kế hoạch khởi nghiệp sáng tạo và khả thi để hỗ trợ khởi nghiệp theo Đề án 939; tạo tiền đề nhân rộng phong trào khởi nghiệp trong nữ sinh viên;

– Tập trung khuyến khích, và phát triển tư duy sáng tạo, tính năng động, dám nghĩ dám làm và qua đó tạo nguồn cảm hứng, đam mê kinh doanh cho nữ sinh viên;

– Tạo điều kiện cho nữ sinh viên được gặp gỡ, giao lưu với doanh nhân và nhà đầu tư tiềm năng; hỗ trợ kế hoạch khởi nghiệp của nữ sinh viên có cơ hội trở thành hiện thực ngay từ trên ghế nhà trường.

Sau khi được Ban Giám khảo đánh giá tại vòng sơ khảo, 3 ý tưởng xuất sắc được lựa chọn vào vòng chung kết là: Đồ trang trí nội thất bằng mây, tre (kết hợp với làng nghề truyền thống để kinh doanh các sản phẩm nội thất bằng mây tre đan); Mô hình Hợp tác xã Decorative tree (Cung cấp cho thị trường một số loại cây decor (cây dùng để trang trí) dễ sống, có giá trị thẩm mĩ và phong thủy như: Sen đá, xương rồng và một số loại cây thân mọng nước); Vải Handmade – Spereading hope (Sản xuất các sản phẩm handemade, đóng góp sức lực vào việc bảo vệ môi trường đi đôi với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp cho nhóm người khuyết tật. Đặc biệt là vốn ít và lợi nhuận cao các chị em phụ nữ dễ dàng tiếp cận với ý tưởng; trên hết là hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật).

Tại vòng chung kết, từng đội dự thi thể hiện kế hoạch kinh doanh của mình dưới hình thức sân khấu hóa trong thời gian quy định và đấu vòng tròn: Đội 1 đấu đội 2, đội 2 đấu đội 3, đội 3 đấu đội 1. Trong mỗi trận đấu, 2 đội lần lượt sẽ đóng vai nhóm lập kế hoạch khởi nghiệp và Ban giám đốc thẩm định kế hoạch khởi nghiệp.

Trận 1: Đội 1 sẽ trong vai nhóm xây dựng kế hoạch thi đấu với đội 2 trong vai BGĐ thẩm định kế hoạch; Trận 2: Đội 2 trong vai nhóm xây dựng kế hoạch thi đấu với đội 3 trong vai BGĐ thẩm định kế hoạch; Trận 3: Đội 3 trong vai nhóm xây dựng kế hoạch đấu đội 1 trong vai BGĐ thẩm định kế hoạch

Mỗi đội sẽ có 30 phút cho phần thi của mình. Đội trình bày sẽ có tối đa 15 phút cho việc trình bày kế hoạch trước đội trong vai BGĐ và tối đa 15 phút để trả lời các câu hỏi của đội trong vai Ban Giám Đốc và Ban Giám khảo.

Với những đội thi mang trong mình tư duy sáng tạo bắt kịp với xu thế chung của thời đại, cuộc thi năm nay hứa hẹn sẽ là một cuộc thi cạnh tranh vô cùng gay cấn. Mời bạn đọc cùng theo dõi và tham dự Vòng chung kết cuộc thi vào lúc: 8h15 ngày 21/10/2022 tại phòng 305, Nhà A2, Học viện Phụ nữ Việt Nam.