Cụ thể, có hơn 468 nghìn thí sinh đăng ký dự thi Bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (chiếm 52,83% tổng số thí sinh).

Bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên có gần 302 nghìn thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 34,07% tổng số thí sinh). Có hơn 27 nghìn thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp.

Hà Nội có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất gồm hơn 74 nghìn thí sinh, tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh gần 71 nghìn thí sinh.

Được biết, đợt đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019 đã diễn ra từ ngày 1- 20/4.

Bộ GD&ĐT đã kiểm tra đột xuất công tác tổ chức chuẩn bị cho kì thi tại một số trường: THPT Yên Thế, THPT Lạng Giang số 2 và THPT Thái Thuận, tỉnh Bắc Giang cho thấy, hầu hết học sinh đều nắm rõ quy chế thi và xét tuyển đại học, cao đẳng nên rất tự tin khi làm hồ sơ.

 

 

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019 tại Bắc Giang. (Ảnh: Mỹ Hà)

Học sinh được hướng nghiệp từ trước nên xác định rõ nghề nghiệp trong tương lai, có định hướng khá tốt để đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng hay đi học nghề, từ đó có hướng ôn tập phù hợp.

Trước đó, ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Quản lý Chất lượng cho biết, Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia đã được công bố từ rất sớm.

Đơn vị này đã nhận được rất nhiều ý kiến liên quan, đặc biệt là ý kiến của các phụ huynh học sinh, của giáo viên, cho rằng đề thi tham khảo như vậy là phù hợp và mong muốn đề thi cũng sẽ tương đương như vậy.

“Chúng tôi có thể nói rằng, đề thi tham khảo là kênh thông tin rất tốt trong việc tổ chức dạy học”, ông Trinh khẳng định.

Đặc biệt, khi tư vấn về thi THPT quốc gia, ông Trinh cũng nhấn mạnh, nội dung thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu là kiến thức lớp 12.

Đề thi sẽ đảm bảo số lượng câu hỏi đủ lớn phục vụ xét tốt nghiệp, sau đó là một số câu hỏi có tính chất phân hóa dần phục vụ cho tuyển sinh.