Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học gồm 03 điều, trong đó: sửa đổi, bổ sung 36/73 điều, giữ nguyên 37 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật của Luật Giáo dục đại học 2012. Trong đó có một số nội dung mới sau:
1. Trình độ đào tạo cao đẳng không thuộc điều chỉnh của Luật Giáo dục đại học
Các quy định liên quan đến đào tạo trình độ cao đẳng và trường cao đẳng sẽ không được điều chỉnh bởi chính sách, luật pháp về giáo dục đại học mà được điều chỉnh bởi các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
Tại khoản 3, khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi Điều 6 và Điều 7 của Luật Giáo dục đại học 2012 đã bỏ trình độ đào tạo cao đẳng và hình thức trường cao đẳng trong cơ sở giáo dục đại học. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 quy định thống nhất Giáo dục đại học gồm các trình độ: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Trình độ cao đẳng được phân loại trong nhóm Giáo dục nghề nghiệp.
2. Hình thức đào tạo giáo dục đại học và văn bằng đại học
Hình thức đào tạo giáo dục đại học gồm 3 hình thức: chính quy, vừa làm vừa học và đào tạo từ xa. Trên văn bằng giáo dục đại học sẽ không phân biệt các hình thức đào tạo khác nhau.
Tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi Điều 6 của Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông. Tại khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học sửa đổi Điều 38 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.”
3. Luật mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học trong toàn hệ thống
Tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại họcsửa đổi Điều 32 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định chi tiết về quyền tự chủ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.
Các quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Quyền tự chủ trong học thuật, hoạt động chuyên môn, mở ngành đào tạo (khoản 18 Điều 1); Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự tại các quy định liên quan có đến quyền của hội đồng trường trong việc quyết định tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên (khoản 10, khoản 14 Điều 1); Quyền tự chủ tài chính tại quy định liên quan đến học phí (khoản 33 Điều 1).
4. Quyền tự chủ về học phí của cơ sở giáo dục đại học
Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí khi đảm bảo đủ các điều kiện thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nhưng các thông tin về học phí và các khoản thu phí khác trong suốt quá trình học phải được công bố công khai trên thông báo tuyển sinh và trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.
Tại điểm 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi điều 65 của Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật này và tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên được tự chủ xác định mức thu học phí”; còn đối với cơ sở giáo dục đại học không thuộc trường hợp quy định trên được xác định mức thu học phí theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, “Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trêntrang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.