Từ năm 2014 trở về trước, các kỳ thi quốc gia hằng năm được tổ chức bằng nhiều đợt riêng rẽ, trong vòng khoảng một tháng, gồm: 01 đợt thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh do các sở GDĐT thực hiện; 03 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ tại các trường ĐH, CĐ do các trường thực hiện.
Hai kỳ thi có quy mô lớn, được tổ chức đồng loạt, liên tiếp vào những thời điểm gần nhau với cùng nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 với số lượng thí sinh lớn với khoảng hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT và khoảng hơn 1,5 triệu lượt thí sinh đăng ký thi tuyển sinh trong một thời gian khá dài đã gây ra sự cồng kềnh, tốn kém, áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Nỗ lực cải tiến kỳ thi cồng kềnh, tốn kém
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, Bộ GDĐT triển khai xây dựng Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, thực hiện theo lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020, rút kinh nghiệm từng năm để hoàn thiện, tạo tiền đề cho đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020; đảm bảo đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo đó, lộ trình đổi mới từng năm như sau:
Năm 2015: Tổ chức thi 8 môn với 2 loại cụm thi (cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi để tốt nghiệp THPT do sở GDĐT chủ trì; cụm thi liên tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GDĐT).
Kỳ thi cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại khi thí sinh vẫn phải di chuyển xa gây cồng kềnh, tốn kém, áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội; còn trục trặc trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi và xét tuyển ĐH,CĐ ở khâu công bố kết quả thi và thay đổi nguyện vọng xét tuyển.
Năm 2016: Tại mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) tổ chức 2 loại cụm thi: Cụm thi tốt nghiệp do địa phương chủ trì, cụm thi đại học do các trường ĐH chủ trì. Kỳ thi đã khắc phục được hạn chế, bất cập của năm 2015.
Đề thi có độ phân hóa tốt, đáp ứng được yêu cầu vừa sử dụng để công nhận tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ; bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong quản lý thi và tuyển sinh.
Tuy nhiên, việc tổ chức 02 loại cụm thi khác nhau tại mỗi tỉnh thí sinh vẫn phải di chuyển gây tốn kém, áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội làm cho Kỳ thi nặng nề, có thể dẫn đến không thống nhất, công bằng.
Năm 2017: Tổ chức duy nhất một loại cụm thi tại mỗi tỉnh do sở GDĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ; tổ chức thi theo bài với 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Đồng thời, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi, môn thi (trừ bài thi Ngữ văn), mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi, bài làm của thí sinh được chấm bằng máy tính với phần mềm chuyên dụng.
Việc tổ chức duy nhất một loại cụm thi tại mỗi tỉnh với các Điểm thi được đặt tại trường THPT trong tỉnh ở các huyện, thị nên đã tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh làm cho Kỳ thi nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém; việc tăng cường hình thức thi trắc nghiệm và sử dụng các bài thi tổ hợp đã từng bước khắc phục tình trạng học tủ, học lệch của thí sinh.
Tuy nhiên, kết quả thi chưa thật sự có độ phân biệt cao nên phần nào gây khó khăn đối với công tác tuyển sinh của một số trường ĐH có sự tham gia của nhóm thí sinh điểm cao tham gia xét tuyển.
Năm 2018: Phát huy kết quả đã đạt được qua 3 năm đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GDĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2017 cho năm 2018 và các năm tiếp theo với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm.
Kỳ thi năm 2018 cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, còn xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận trong công tác tổ chức chấm thi trắc nghiệm ở tại 3 Hội đồng thi các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.
Năm 2019: Rút kinh nghiệm công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GDĐT đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp điều chỉnh nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 theo hướng tăng cường vai trò của các trường ĐH, CĐ; tăng cường ứng dụng thiết bị kỹ thuật, CNTT trong tổ chức thi, nhất là tăng cường chức năng bảo mật của phần mềm chấm thi trắc nghiệm; tăng cường thanh tra, kiểm tra trong tổ chức thi. Kỳ thi diễn ra êm đềm.
Năm 2020: Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức ổn định Kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2020 như năm 2019; đồng thời, xây dựng Phương án thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đổi mới để thi trên máy tính
Kỳ thi THPT quốc gia theo lộ trình 2015 – 2020, đến năm 2019 đã tạo tiền đề về cơ bản cho đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau năm 2020 theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng để triển khai Phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ sau 2020. Bộ GD&ĐT đưa ra lộ trình cải tiến thi như sau:
Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 nếu đáp ứng các quy định của Bộ GDĐT thì được Hiệu trưởng trường THPT (hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên) cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp Bằng tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.
Tổ chức thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo qui định của Bộ GDĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên thế giới với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như: ETs, ACT…. đối với Việt Nam thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.